Thứ Hai, 13 tháng 4, 2009

Bạch Hạc Quyền


Qua bài này, tác giả không có tham vọng trình bày tất cả những đặc tính của Bạch hạc nhưng chỉ mong chia sẻ cùng bạn đọc những kinh nghiệm, khám phá, liễu ngộ về hạc quyền, mà nhờ đại duyên đã được ba vị chân sư của ba hệ phái: Hồng hạc, Thanh hạc và Bạch hạc ưu ái truyền thụ. Từ căn bản đó, tác giả vô tình kết hợp được tinh, khí, thần, qua sự tổng hợp ba hệ thống hạc quyền. Sự kết hợp này đã giúp khai mở được những bế tắc về mặt tâm linh cũng như trên phương diện võ thuật sau hơn mười tám năm tôi luyện Hồng Gia quyền và Vô Cực công.
Lý Hồng Thái - Chưởng Môn Tam Giáo Hạc Ðồng Nguyên

Lịch Sử

Bạch hạc quyền xuất xứ từ Thiên Trúc và có thể được coi là một trong những môn công phu cổ truyền nhất từ xưa đến nay trong những tuyệt kỹ chánh môn của Thiếu Lâm Quyền. Tuy nhiên, không giống như trường hợp môn phái Ðường Lang đươc lưu truyền rộng rãi trong nhân gian bởi nhiều nhà, nhiều nhánh, Bạch hạc được truyền thừa theo một nhánh duy nhất khởi đi từ các vị Lạt ma, đến đời Bồ Ðề Ðạt Ma và cuối cùng nơi Thiếu Lâm Tự.
Cũng như các môn phái khác, hạc quyền về sau cũng chia ra nhiều ngành, nhiều phái, nhưng tựu trung chỉ có ba hệ phái trổi bật nhất là: Hồng hạc, Thanh hạc và Bạch hạc. Tính cách của ba hệ phái này thoạt nhìn thì như nhau nhưng chiến thuật thì khác biệt và hệ thống luyện tập cũng hoàn toàn khác biệt. Hồng hạc luyện tinh, chủ trương xử dụng chỏ, cước và gối, rất được ưa chuộng bởi môn phái Thiếu Lâm Hồng quyền của nhóm Hồng Hy Quan; Thanh hạc chuyên luyện khí, sở trường về cánh và mỏ; Bạch hạc luyện thần, cá tính độc lập, chuyên xử dụng cả cước, cánh lẫn mỏ, hệ phái này đến nay hầu như đã bị thất truyền.
Bạch hạc tượng trưng cho sự trưòng thọ, tư tưởng siêu thoát, tinh thần phóng khoáng, viên mãn đến độ an nhiên tự tại. Do đó, về mặt tâm linh môn phái này thích hợp với các hành giả muốn tự mình tìm sự giải thoát, tự mình đốn ngộ để quay về với hư không, thanh tịnh.

Chiến Thuật

Bạch hạc là một trong những loài chim có họ với sếu được tìm thấy nhiều ở Ðông Nam Á, tiêu biểu là giống Grus antigone, đầu và cổ có điểm lông đỏ. Loại này cổ dài, chân dài, hình dáng thướt tha, dáng đi mềm mại uyển chuyển. Mỏ hạc dài, nhọn, cứng, thường được xử dụng như một thứ vũ khí bén nhọn để tấn công vào những yếu huyệt của đối phương. Khi lâm chiến, vì hình tướng mảnh khảnh, lêu nghêu dễ bị tập kích từ nhiều góc độ, nhờ khả năng thiên phú hạc dùng chiến thuật di thân (Bạch hạc dạ hành) để giữ khoảng cách an toàn giữa mình và đối thủ. Cánh hạc thường được xử dụng đề ngăn chặn, đánh phá, hoặc được bung ra một cách chớp nhoáng để tấn công đối phương, đồng thời những móng vuốt cũng được xử dụng một cách hữu hiệu cho việc phòng ngự.
Mô phỏng theo cá tính của hạc, môn đồ môn phái Bạch hạc thường xử dụng hai thủ pháp căn bản: mỏ hạc và cánh hạc. Mỏ hạc được hình thành bởi ngón cái và bốn ngón tay chụm chặt vào nhau rất thuận tiện khi cần tấn kích những mục tiêu gần và mềm như mắt, màng tang, nhân trung, yết hầu. Cánh hạc là hai cánh tay hành giả vươn dài hoặc thu ngắn theo những động tác mềm mại, thuận ngược, dùng để tấn công một cách liên tục (liên khúc) vào tay, chân, thân thể đối phương, khiến đối phương tê liệt hoặc lâm vào trạng thái bối rối, mất thăng bằng, từ đó để hở ra những nhược điểm, đây chính là lúc hạc dụng kình lực để triệt tiêu đối thủ.
Song song với những sở trường nêu trên, cước hạc cũng không kém phần lợi hại. Mục tiêu công kích có thể kể từ đầu cho đến hạ bộ của đôí phương. Thí dụ như ngọn Kim Tiêu cước, được bung ra thật nhanh như ánh chớp trong một khoảng cách rất gần, cộng với trọng lượng toàn thân đủ để nghiền nát nội tạng hoặc gây nên nội thương trầm trọng cho đối thủ. Hoặc qua thế Bạch Hạc Tùng Diệp, nhất cử nhất động của đối phương đều không thoát ra khỏi vòng kềm toả của bộ chân hạc. Có được diễm phúc nhìn chân sư thi triển cước pháp nói trên hành giả mới nhận thấy rằng người xưa vốn thâm thúy: hình ảnh đó có khác nào hình ảnh gót hạc bước nhẹ trên những lá vàng rơi rớt trước ngọn thu phong? Rồi những thế Bạch Hạc Ðằng Vân, Bạch Hạc Quá Hải, Bạch Hạc Quy Sào, Bạch Hạc Phân Thủy, đều mô tả rõ ràng, tỉ mỉ cá tính linh hoạt của bạch hạc quyền và bạch hạc cước pháp để ta thấy rằng hạc tuy khoan thai, mềm mại, thanh thoát, nhưng khi lâm chiến nó trở nên lạnh lùng, bình thản trực diện, khống chế và triệt hạ kẻ thù.
Nguyên nhân nào khiến hạc từ một hình ảnh lãng đãng, phiêu bồng, chập chờn, ẩn hiện của cõi đào nguyên, tiên cảnh, lại có thể có một bản năng dị thường như thế? Thưa: vì hạc vốn tánh không. Cái không đây là cái không của sự giải thoát, của vô ý sinh, vô ý niệm, của tư tưởng dứt khoát, của sự thoát ly, của cái có, của cái không, và đến cực điểm của không là không tánh. Quan niệm, tri kiến là do ta tạo ra chứ không phải ở hạc, vì hạc vốn không làm chủ lấy mình. Nhờ tánh không làm chủ lấy mình nên hạc nghiễm nhiên đạt được không tánh, vì không nên chứa đựng được vạn pháp, và vì không nên bao trùm cả cá tánh... Có tánh thì ắt có không gian, thời gian. Không gian, thời gian rồi cũng sẽ qua đi, sẽ bị hủy diệt. Không tánh thì bàng bạc, trường cửu như Ðạo: vô thủy, vô chung.
Ðường lối của hạc dậy người thấy được cái không tánh của mình. Ta có sở đắc, ta cho hạc sở đắc, hạc nhận và có sở đắc, không thành có. Nhưng hạc biết khi có sở đắc nó sẽ mất đi, có thành không, nên hạc chẳng buồn bám trụ, vui ở, buồn đi..
Nhạn quá hà dàm, nhạn vô lưu ảnh.
Nhạn lướt qua mặt hồ không buồn để lại hình bóng mình. Âm hưởng câu thơ trên thấp thoảng hình ảnh hạc trong lời Ðường thi của Thôi Hiệu:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du.

Hạc đã khuất, sao ta mãi như gợn mây trời nghìn năm thẫn thờ trôi? Vì ta khi có sở đắc thì ta lại trụ, trụ đây là bị mất chứ không phải có! Mất trong sự hiểu biết nông cạn của lý trí, dĩ nhiên là ta mất luôn vì lẽ sự hiểu biết vốn dĩ sẵn hạn hẹp. Còn hạc, vốn không biết, vừa mới biết đã mất, thì cái mất đây là cái mất hoà nhập theo sự trường cửu của muôn trùng vũ trụ.

Hệ Thống Luyện Tập

Khi mới nhập môn, thầy bắt các môn sinh phải tập đứng một chân. Có người thắc mắc hỏi: 'Thưa thầy, sao chúng con có hai chân mà thầy lại bắt đứng bằng một ?'. Thầy đáp:' Sau này khi ra đấu, mình có hai chân, địch thủ đá gẫy mất một. Ðể quen thuộc dần với cái mất mát đó, hạc bắt mình phải đi vào tử trước đã, khi vào chỗ bí tử, trong cái thuật không có đó, nó sẽ có. Nó có sau khi người ta tạo cho nó có, mà vốn nó không có!' Môn đồ hạc quyền không tính toán, đo lường ở bất cứ trạng huống nào thì lúc đó không tánh mới hiện ra.
Khi giao chiến với địch, hạc mang tâm mình ra phân tranh thì hạc nhập vào cái cảnh giới ngũ hành để đối chất với quyền pháp, nhưng đây chỉ là cảnh giới giả của hạc vì hạc biết hạc có đó, nhưng nó sẽ mất cái có đó nên hạc chuẩn bị cho cái không. Từ chỗ không có này, chẳng còn cảnh giới nào đối với hạc. Chân lý của hạc là không, không đây không phải là do trí tưởng mà ra, nhưng không đây là không có gì mà ta phải lo lắng thái quá! Chân lý này đơn giản đến độ ta gọi nó là cái chân tánh của mình. Kẻ nào chạm đến cái chân tánh của mình, thì mình nghĩ gì có nấy. Ðây chính là phép Bà La mật hiện hữu. Sắc tự chân không, không tự chân sắc.
Ðường lối luyện tập này hướng dẫn môn sinh đi, đứng, ngồi, tịnh, đều là không cả. Khi ta ngồi, ta tưởng ta tịnh, nhưng thật ra ngồi vậy nhưng không phải là tịnh, nhưng thật ra đã tịnh rồi đó! Tựa như người cầm la bàn đi tìm phương Bắc, nhưng thật sự mình đang ở hướng Bắc thì còn tìm đâu nữa? Hạc quyền chủ trương đốn ngộ lúc đầu còn hơn để sau này bị vướng trụ. Môn đồ phải học và luôn ghi nhớ hai điều: có không, và bỏ. Không mong cầu hay hoặc giỏi vì hạc dậy mình rằng là đang học đó, có đó, bỏ đó, cho đó, hiện đó, còn đó rồi mất đó. Ðiều khó nhất của hạc quyền là vừa học vừa xóa, xóa đây không có nghiã là xóa bỏ tất cả, nhưng có nghiã là xóa bỏ tất cả để tìm về cái gốc ban đầu tựa như nhà Phật nói rằng: Sinh tử, luân hồi'. Kinh thánh cũng dậy ta rằng:'Kẻ nào vả vào má bên trái ngươi, hãy đưa luôn má bên phải cho nó đánh!' Khi thực thi được điều này, thì tự nhiên ta có hai lần có. Hai lần giải thoát trong cái có của ta đó gọi là:'Tam tài giả' sẽ giúp ta giác ngộ. Ðây là phương thức để ta luyện tánh không. Khi ta không thì năng lực sẽ đến với ta. Năng lực này ở chỗ không có nhưng vốn hằng có, cái có này thật sự hiện hữu. Từ chỗ hiện hữu này, chính mình giải thoát lấy mình bằng lòng bác ái, tính vị tha và tư tưởng từ bỏ.

Bạch Hạc Khí Công

Khi đã hiểu cá tánh của hạc rồi, hành giả bắt đầu tạm dùng hơi thở để luyện thần, tạm thôi, vì đối với hạc không có gì là chính mà cũng chẳng có gì là phụ. Hơi thở thanh lọc tư tưởng, tư tưởng dẫn khí, khí dưỡng thần. Thần khí có thể kết tụ ở đôi mắt, thần khí có thể kết tụ ở tay chân hoặc khi tư tưởng vượt ra ngoài phạm vi hữu hạn của thân xác thì đó chính là lúc ta chạm, bắt được không gian ba chiều, không gian của sự giác ngộ: có hay không.
Ðây là lý do môn đồ Bạch hạc thường luyện thần trước gương dưới ánh sáng mờ ảo của ngọn bạch lạp. Ta thấy ta đó, nhưng chưa hẳn là ta mà là bóng. Bóng và hình phân tranh, tiến thối, đến một lúc nào đó không còn bận tâm phân biệt thật giả, không còn vướng trụ thì đạt đến cảnh giới của tâm thức an định. Tâm thức an định thì thần thức (tư tưởng) an nhiên tự tại. Thần thức an nhiên tự tại thì sẽ cai quản được mình, cai quản những đường kinh khí, lục phủ ngũ tạng, vì tư tưởng đi dến đâu thì khí đến đó - khí là sự trôi chảy liên tục của tư tưởng, khi tư tưởng bế tắc thì khí nghẽn - Khi thần thức cai quản được thân thì sẽ điều động được thân tâm, đưa đến chỗ rợp ràng, thân thủ tích cực liên quán. Một khi đã làm chủ được thần thức thì vào toàn khâu, ra toàn khâu. Cá tính của hạc là vào toàn khâu, ra toàn khâu. Vào được toàn khâu, ra được toàn khâu đó mới chính là bỏ.
Kết
Chân sư là những người đã giác ngộ, thấy được những gò bó quanh mình nên các vị đã mượn hình ảnh độc lập, an nhiên tự tại và tư tưởng nhất quán của hạc để giúp hậu thế chiêm nghiệm và tu luyện. Kiến thức, công phu, hạnh nguyện, quan niệm, là những hành trang cho hành trình hoàn nguyên của chúng ta. Tất cả đều cần thiết, nhưng nếu không biết cách hóa giải chúng bằng cách coi chúng có như không, thì chúng sẽ trở thành những ràng buộc cản trở chúng ta trên tiến trình tu tập.
Hạc là ta, hay ta là hạc trở về lần này để tìm lại cái hằng có mà ngày xưa đã từng có nơi cội nguồn đích thực vốn là chốn huyền không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét